Kẻ Độc Hành – series phim đầu tiên tại Việt Nam được Netflix phát hành độc quyền trên toàn Châu Á.
Sau cơn sốt của web-drama Ai chết Giơ Tay ra mắt vào năm 2018, vào 2019 phần hậu truyện đã được ra rạp với bản điện ảnh Pháp Sư Mù. Đạt doanh thu 53 tỷ, chắc chắn đây là 2 dự án siêu thành công của Huỳnh Lập, đưa tên tuổi chàng nghệ sĩ đa tài đến gần hơn với công chúng và gắn liền với dòng phim linh dị. Tiếp nối thành công đó, phần tiền truyện mang tên Kẻ Độc Hành của Huỳnh Lập đã được ra mắt trên nền tảng Netflix. Với 8 tập phim, kẻ độc hành nhanh chóng trở thành series được xem nhiều nhất tại Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Hãy cùng Nagi Movie đánh giá xem bộ phim có gì hấp dẫn nhé.
Còn bây giờ thì bắt đầu thôi nào.
Kẻ độc hành là phần tiền truyện của Ai Chết Giơ Tay, khi Tinh Lâm mới bắt đầu dấn thân vào con đường trừ ma diệt quỷ. Do chưa được ai dạy pháp, nên Tinh Lâm hầu như chưa biết gì về các phép thuật để hành pháp. Đồng hành cùng Tinh Lâm là ông Vú. Tuy nhiên, ông không tin vào khả năng và những phương pháp hành pháp của Tinh Lâm, điều đó khiến Tinh Lâm trở thành kẻ cô độc, cố gắng tìm cách chứng minh khả năng của mình.
Trong lần bắt ma tại một gia đình giàu có, Cậu vô tình bắt gặp hồn ma của một Linh Nữ. Chính nhờ cơ duyên đó, Tinh Lâm được cô chỉ dạy các bùa phép để trừ ma, diệt quỷ cứu người.
Là phần tiền truyện, do đó, dù khán giả chưa xem Ai chết giơ tay và Pháp Sư Mù, thì khi xem Kẻ độc hành, vẫn hoàn toàn hiểu được toàn bộ câu chuyện. Không những thế, các tình tiết trong kẻ độc hành ăn khớp khá mượt mà với 2 phần hậu chuyện, vì vậy nếu đã xem 2 phần phim trước, khán giả càng hiểu thêm về câu chuyện của anh chàng pháp sư Tinh Lâm. Đây là một điểm rất đáng khen.
Điểm khen tiếp theo đến từ sự chỉn chu trong cách làm phim của Huỳnh Lập. Theo mình cảm nhận, Huỳnh Lập là một trong số ít người làm phim thực sự có tâm, nghiêm túc và chỉn chu. Các sản phẩm của anh đều được đầu tư kỹ càng từ hình ảnh cho đến nội dung. Với kẻ độc hành, Ngay từ poster đến kịch bản, bối cảnh và diễn viên đều có thể cảm nhận được sự nghiêm túc đó.
Đấy cũng chính là một phần thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm. bằng cách mượn yếu tố tâm linh để truyền tải những bài học ý nghĩa về cuộc sống. Bộ phim đã lồng ghép những Thông điệp một cách duyên dáng, chạm vào cảm xúc của người xem. tạo ra một tác phẩm đậm tính nhân văn.
Các bạn hẳn sẽ vô cùng ấn tượng, thậm chí nổi da gà với Phân đoạn cô đào Ngọc Nga hiện hồn về dạy bảo đàn em.
Về mặt diễn xuất, Với nhiều tên tuổi gạo cội. các diễn viên đều rất lăn xả và hoàn thành tốt vai trò của mình. Đáng chú ý có thể kể tới nhân vật khó nhằn do Puka thủ vai. Dù chưa phải xuất sắc nhưng Đây thực sự là một cố gắng hết sức đáng ghi nhận.
Và điểm cộng cuối cùng là việc đưa những yếu tố tâm linh và văn hoá dân gian của Việt Nam vào một bộ phim được phát hành toàn châu Á. Nghe cũng oách đúng không.
Ngoài các điểm cộng trên, thì phim vẫn còn kha khá điểm trừ.
Đầu tiên phải kể đến nhịp phim chậm chạm, dề già ở các tập đầu tiên. Đi kèm với đó là kiểu chọc cười vô duyên và cũ kỹ. Không biết các bạn thấy sao, chứ mình xem mấy phân đoạn của bộ ba khẩu nghiệp – những nhân vật được đưa vào để pha trò cười đều thấy sượng chân. không có chút hài hước gì hết. Chỉ muốn tua nhanh nhanh cho qua. Không những thế, các màn cãi nhau vô duyên giữa các nhân vật thì thường xuyên diễn ra, còn bị kéo dài lê thê tạo cảm giác ngao ngán. Đây cũng là những miếng hài gắn mác sượng chân. Ai thấy vui chứ mình chê. Chê thậm tệ đoạn này. Cũng may, càng về sau, phim dần tiết chế những mảng miếng sượng chân này. Nhờ đó, chất lượng của phim cũng ngày càng tăng.
Điểm trừ thứ 2 đến từ mặt kỹ xảo. Không biết vì sao, nhưng sau 4 năm, kỹ xảo của Kẻ độc hành có vẻ còn thua cả phần phim Ai Chết Giơ Tay ra mắt từ năm 2018. Tạo hình ma quỷ vẫn chỉ là những màn hoá trang rách rưới, thêm vài hiệu ứng khói màu giả tạo, chưa xứng tầm với phim gắn mác Netflix.
Thêm một điểm trừ khi kịch bản có phần dễ đoán và an toàn. Chưa tạo được cao trào bùng nổ cho phim. Dù là phim linh dị, nhưng phim thiên về hài hước chọc cười, thiếu hẳn phần kinh dị.
Ngoài ra phim còn sạn và xây dựng nhân vật có phần khó hiểu. thứ nhất là về mốc thời gian của phim. trong khi Ai chết Giơ Tay diễn ra vào khoảng năm 2018, thì phần tiền truyện Kẻ độc hành có vẻ lại diễn ra vào năm 2021.
Thứ 2 là ông Vú. Tuy không giải thích vì sao ông Vú trung thành với Tinh Lâm như thế, nhưng hẳn nhiên ông biết rõ cha mẹ và cả dòng tộc của Tinh Lâm đều là những pháp sư. Vậy thì hẳn nhiên ông phải tin vào chuyện ma quỷ chứ. Nhưng ở đầu phim, tất cả những dấu hiệu ma quỷ được nêu ra, ông đều gạt đi và cho rằng không có ma quỷ. Có thể ông không tin vào khả năng của Tinh Lâm, nhưng không thể không tin vào ma quỷ được đúng không.
Tiếp đó là nhân vật Liên Thanh, ở phần này, cô chỉ thoắt ẩn thoắt hiện chứ không được chú trọng. mỗi khi cô xuất hiện hầu hết đều nhằm cản trở Tinh Lâm hành pháp với những nguyên nhân vô cùng hời hợt. Khiến hình ảnh Liên Thanh đáng yêu ở Ai Chết Giơ Tay bị phá đi ít nhiều. Mình cho rằng, đáng ra bộ 3 khẩu nghiệp nên đảm nhiệm vai trò của Liên Thanh thì việc khẩu nghiệp sẽ trơn tru và phù hợp hơn nhiều.
Nhìn chung, Kẻ độc hành là một series chỉn chu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phần tiền truyện cho Ai Chết Giơ Tay. Dù vẫn còn một vài hạn chế, nhưng đây vẫn là một bộ phim đáng ủng hộ của điện ảnh Việt Nam. Với trải nghiệm của bản thân, mình chấm phim ở mức 7,5/10
Các bạn đã xem Kẻ độc hành chưa? Bạn nghĩ sao về bộ phim này. Hãy comment cho bạn mình biết nhé.